10 năm là khoảng thời gian không ngắn nhưng đủ để một đứa trẻ bi bô tập nói lớn lên và đến trường, đủ để một cậu nhóc học sinh lon ton chạy nhảy thành một người trưởng thành ngồi văn phòng. Vậy 10 năm, trường học có lớn lên như những đứa trẻ, những cậu nhóc ấy không? Dĩ nhiên vòng tuần hoàn của thời gian và những biến đổi của cuộc sống không để giáo dục, trường lớp chỉ mãi đứng yên. Thập kỷ qua, thế hệ 9x, 10x đã chứng kiến được những đổi thay to lớn nào của nền giáo dục nước nhà?
1. Chuyện thi cử:
Xa rồi năm tháng bố mẹ dắt tay con lên thành phố tìm lò luyện thi, tạm biệt kỳ thi tốt nghiệp và đại học
Chục năm trước, ký ức đi học của 9x và các 8x đời cuối hẳn sẽ chẳng thể nào quên được những kỳ thi khốc liệt diễn ra vào mùa hè hằng năm. Khi ấy, cứ lễ bế giảng xong, học sinh lớp 12 lại nối chân nhau trải qua 2 kỳ thi liền nhau là Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh Đại học. Hoài niệm về 1 thời rồng rắn nối đuôi nhau xếp hàng trước các cửa lò luyện thi xin ghi danh, rồi lớp học trăm người trong cái phòng nhỏ xíu, chật hẹp để ôn thi đại học dường như đã quá quen thuộc với lứa học sinh thế hệ trước.
Hay cứ đến mỗi kỳ thi, các bến xe lại vui như tết, các ông bố bà mẹ chưa bao giờ rời khỏi làng quê lại khăn gói, tay xách nách mang đưa con vào các thành phố lớn dự thi Đại học. Thời ấy, xem cảnh cha mẹ mòn mỏi trông mong con trước cổng điểm thi ai mà không thương, không xót xa cơ chứ?
Cho đến năm 2015, một chương mới của việc thi cử được mở ra. Bộ GD&ĐT quyết định thay thế 2 kỳ thì rườm rà, được tổ chức sát nhau thành 1 kỳ thi chung mang tên Kỳ thi THPT Quốc gia. Vây là thay vì chạy đôn đáo với đủ thứ áp lực cho 2 kỳ thi kề nhau thì bắt đầu từ năm nay, gánh nặng thi cử của học sinh như được nhẹ đi. Kỳ thi được tổ chức với 2 mục tiêu chính là công nhận tốt nghiệp và xét tuyển Đại học.
Năm 2017, một sự thay đổi lớn nữa được diễn ra, đó là kỳ thay vì thi kết hợp Tự luận và Trắc nghiệm trong 8 bài thi, năm này, đề thi đi theo hướng chỉ sử dụng câu hỏi Trắc nghiệm (ngoại trừ Ngữ văn) và chỉ còn 4 bài thi, trong đó các phân môn Lý – Hóa – Sinh được xếp trong tổ hợp bài Khoa học tự nhiên, Sử – Địa – GDCD thuộc tổ hợp bài Khoa học xã hội.
Đến nay, lứa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi này, cũng là những công dân mở đầu Gen Z đã hoàn thành chương trình Đại học và bắt đầu xuất hiện trên thị trường việc làm. Còn Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn cho thấy được mặt tích cực và lợi ích của mình, mỗi năm đều có sự cải tiến để trở nên hoàn thiện hơn. Kỳ thi giúp mỗi học sinh không còn mải chạy theo các lò luyện thi “nóng” như lò lửa, không phải khiến bố mẹ lo âu, tốn tiền tốn bạc cho con vào thành phố cách nhà trăm cây số để dự thi nữa.
Cũng chính vì những thay đổi trong hệ thống thi cử mà việc tuyển sinh Đại học cũng có nhiều cú lột xác. Thay vì chỉ trông chờ vào kết quả của kỳ thi chung, thì nay các trường Đại học được chủ động hơn trong công tác xét tuyển đầu vào. Có nhiều những phương án tuyển sinh được đưa ra như dựa vào kết quả học bạ, xét kết hợp hay thậm chí nhiều trường cũng bắt đầu tổ chức các kỳ thi riêng nhằm đảm bảo chuẩn đầu vào.
Nguồn: https://cafebiz.vn/10-nam-va-5-thay-doi-lon-cua-giao-duc-viet-nam-so-lien-lac-di-vao-di-vang-khong-con-canh-cha-me-dua-con-len-thanh-pho-thi-dai-hoc-20201226064744576.chn